Tiền thuê gian hàng tại chợ rục rịch tăng dù buôn bán ế ẩm
Từng có ý định bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua 2 gian hàng với diện tích khoảng 3m2 mỗi gian, nhưng chị Nguyễn Lan Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại từ bỏ ý định. Chia sẻ với PV Báo Lao Động, chị Lan cho rằng đó là quyết định đúng đắn vì không quyết tâm bỏ số tiền lớn để đầu tư kinh doanh tại chợ Hôm - Đức Viên (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
“Gian hàng mình thuê có vị trí nằm ở trục giữa chợ với diện tích hơn 2m2 và được thuê gần 8 triệu đồng/tháng, hiện tại tình hình kinh doanh gọi là tạm ổn vì khách đi qua ngó xem hàng phải đi qua trục đường giữa này" - Chị Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Phương lượng khách này vẫn không giúp vực dậy tình hình kinh doanh ảm đạm của cửa hàng. "Thậm chí khó khăn như vậy nhưng giá thuê còn rục rịch tăng” - chị Phương chia sẻ.
Các gian hàng giày dép có đủ mẫu mã, nhưng ít khách đến mua. Ảnh: Hoàng Nam.Cũng nằm tại vị trí trục giữa chợ Hôm, nhưng gian hàng bán quần áo của chị Cẩm Tú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nằm trong ngách hẹp chỉ với diện tích vỏn vẹn 1m2 và có mức giá cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng.
“Gian hàng này chỉ vừa đủ để mình treo quần áo và ngồi trông hàng. Mình còn phải treo quần áo ngoài cửa hoặc treo tạm bên các gian hàng trống chưa có ai thuê. Tình hình kinh doanh càng ngày càng khó khăn, thế nhưng chủ cũ của gian hàng này đang muốn tăng thêm tiền thuê” - chị Tú nói.
Chia sẻ thêm với Báo Lao động, chị Tú cho biết tùy vào từng vị trí của gian hàng sẽ có những mức giá thuê khác nhau. Những gian nằm tầng 1 và có vị trí trong góc chợ với diện tích hơn 3m2 sẽ có giá thuê gần 15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, đối với tầng 2 có mức giá thuê cao hơn từ 2 - 5 triệu đồng/tháng so với tầng 1.
Tùy theo vị trí của mỗi gian hàng sẽ có mức giá thuê khác nhau. Ảnh: Hoàng Nam.Người duy trì vì ngại thay đổi, người thuê chỉ để làm kho
Dạo một vòng quanh chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), có thể thấy các loại mặt hàng quần áo, giày dép được bày bán tại đây luôn theo kịp xu hướng mới nhất. Mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá cả phải chăng. Ngoài quần áo, chợ còn nhiều loại hình kinh doanh như bánh kẹo, đồ điện gia dụng, vàng mã,…
Theo ghi nhận của Báo Lao động, phần lớn thời gian các chủ quầy chỉ nằm lướt điện thoại, ngồi tán gẫu. Chợ luôn trong tình trạng người bán đông hơn người mua. Thậm chí, nhiều gian đóng cửa im lìm, lâu ngày không có người thuê.
Anh Nguyễn Thu Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) thuê gian hàng với diện tích gần 3m2 để kinh doanh giày dép nhưng ế ẩm nên chỉ để làm kho. Ảnh: Hoàng Nam.Chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vắng khách, tiểu thương lướt điện thoại để đỡ nhàm chán. Ảnh: Hoàng Nam.Trải qua 3 thế hệ kinh doanh mặt hàng vàng mã với lượng khách hàng nhiều vô kể. Chủ gian hàng vàng mã tại chợ Mơ bất ngờ vì lượng khách đến chợ giảm sâu.
“Kinh doanh hơn 23 năm tại chợ này, chưa bao giờ tôi thấy chợ lại đìu hiu đến vậy" - chủ gian hàng vàng mã chia sẻ.
Một dãy gian hàng nhếch nhác và không có người thuê từ rất lâu. Ảnh: Hoàng Nam.Còn anh Nguyễn Thu Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) - chủ gian hàng giày dép chia sẻ: “Mở cửa từ 9h nhưng đến 18h mới chỉ bán được 2 đôi giày và 1 đôi dép. Hàng tháng tiền thuê tôi phải trả là 15 triệu đồng, thế mà bây giờ không khác gì để làm kho. May mắn tôi có buôn bán qua mạng và lượng khách quen nhiều mới đủ doanh thu duy trì” - anh Giang nói.
Theo anh Minh - nhân viên trông giữ xe máy ra vào tại chợ. “Từ khi chợ Mơ được quy hoạch xuống hầm để xây trung tâm thương mại, hầu như lượng khách trong ngày đến đây chỉ để gửi xe, trong khi khách vào chợ giảm đáng kể” - anh Minh cho biết.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/cho-truyen-thong-e-khach-nhung-tien-thue-mat-bang-van-ruc-rich-tang-1291337.ldo
15/04/2024
15/04/2024
15/04/2024
15/04/2024
Copyright © 2022 Viet Huong IP., Ltd. All Rights Reserved