Video lò nung đúc tượng ông Táo đỏ lửa, gấp rút để kịp hàng cho dịp Tết cổ truyền.
Dưới cái mưa lạnh ở Huế những ngày cuối năm, phóng viên Lao Động đã có dịp ghé thăm làng Địa Linh (phường Hương Vinh, TP. Huế) - ngôi làng duy nhất còn sót lại ở Cố đô Huế vẫn đang gìn giữ nghề đúc tượng ông Táo.
Chỉ còn một tuần nữa tập tục đưa ông Táo về trời sẽ diễn ra, các thợ đúc tượng ông Táo tại làng Địa Linh ai nấy đều tất bật để đảm bảo có hàng kịp phục vụ khách đặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Trái ngược với tiết trời mưa lạnh, bên trong căn lều của gia đình ông Võ Văn Nam (58 tuổi) vẫn đang đỏ lửa, khói bốc lên nghi ngút từ lò nung đất làm khuôn hình ông Táo. Bên ngoài, ông Nam hối hả một tay kê gạch, một tay thêm trấu cho lò nung.
Bên trong nhà, chị Võ Thị Hằng (31 tuổi, con gái của ông Nam) đang say sưa thực hiện công đoạn vẽ màu cho ông Táo rồi đóng thùng. Mọi công đoạn đang được gấp rút để kịp hoàn thiện hàng cho khách.
Chị Hằng cho biết, cả năm nay, gia đình cho ra lò khoảng 50.000 tượng ông Táo, xếp thành 500 thùng, mỗi thùng có 100 tượng để xuất bán.
“Để giữ được khách hàng, công việc đúc tượng ông Táo của gia đình phải duy trì quanh năm, đến những ngày cận tết lượng khách hàng càng nhiều, công việc trở nên vất vả hơn nhiều. Ngày nào cũng đều đều dậy từ 4h sáng rồi quần quật cả ngày mới kịp cho khách”, chị Hằng nói.
Trong khi đó, phía đối diện là gia đình vợ chồng anh Võ Văn Hải cũng đang miệt mài sơn vẽ, đóng thùng cho những tượng Táo, những đơn hàng cuối cùng của dịp này.
Theo anh Hải, để làm ra một tượng ông Táo hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua khá nhiều công đoạn, đầu tiên là chọn mua đất, sau đó nhồi nặn cho vào khuôn đúc thành hình hài ông Táo.
Sau đó đem ra phơi nắng để đất rút khô, tiếp đến là nhuộm màu cho tượng và cuối cùng là vẽ màu cho các họa tiết.
“Nói đến đất để làm tượng phải là loại đất sét vàng, ít tạp chất, phải được chọn lựa kỹ lưỡng, cẩn thận. Khuôn đúc được làm từ gỗ lim, đục chạm hình tượng một bà Táo đứng giữa hai ông. Sau đó cho đất đã chuẩn bị vào khuôn, ép chặt để tượng được chắc, nguyên vẹn”, anh Hải chia sẻ.
Sau khi tượng được lấy ra khỏi khuôn thì đem phơi khô, rồi mới cho vào lò nung. Sản phẩm nung xong sẽ được để nguội và tô thêm lớp sơn màu hồng hoặc sơn mài đỏ đậm, cuối cùng là bước thêm bột kim tuyến lấp lánh bắt mắt.
Những ngày cuối cùng năm âm lịch, trời mưa rả rích, các công đoạn làm tượng Táo trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian để tượng rút khô đúng quy trình, khiến các thợ cũng lo lắng.
Theo tập tục của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân, vị thần trông coi bếp lại cưỡi cá chép bay về trời để báo lại mọi việc xảy ra trong năm qua.
Bên cạnh không khí tất bật dịp cuối năm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ. Đồng thời, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.
Nguồn:
https://laodong.vn/photo/lo-nung-duc-tuong-ong-tao-do-lua-tu-4h-sang-de-kip-hang-cho-dip-tet-1296899.ldo