Tận dụng tài nguyên biển khơi để phát triển nghề chế biến thủy hải sản

Tận dụng nguồn nguyên liệu biển khơi

Thái Thụy là 1 trong 2 huyện ven biển của tỉnh Thái Bình có 27km bờ biển với 2.700 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 1.570 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt và 465 phương tiện khai thác thủy hải sản với tổng công suất 101.500CV. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản cả năm trên địa bàn huyện đạt từ 95.000 đến 100.000 tấn.

Ông Lê Nguyễn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết, tổng sản lượng đạt được trong năm của huyện là nguồn nguyên liệu lớn để huyện phát triển ngành nghề chế biến thủy, hải sản (CBTHS), tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho các xã vùng ven biển. Do đó, huyện Thái Thụy đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả các giải phát triển ngành nghề CBTHS trên địa bàn huyện.

Sản lượng cá của bà con ngư dân đi biển được các công ty thu mua để chế biến với mức giá tốt. Ảnh: Lương Hà

Vốn sinh ra ở vùng ven biển, với mong muốn làm giàu từ biển, gia đình bà Tạ Thị Hạnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Năm 2006, bà Hạnh mở cơ sở chế biến hải sản, giúp ngư dân địa phương tiêu thụ nguồn thủy hải sản và tạo việc làm cho 30 - 40 lao động thời vụ với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

"Từ ngày mở cơ sở đến giờ, trung bình mỗi năm cơ sở nhà tôi mang lại thu nhập hơn 3 tỉ đồng. Thêm vào đó thu mua và chế biến, bán ra thị trường hơn 150 tấn sứa, 50 tấn tôm, cá các loại" - bà Hạnh chia sẻ.

Cơ sở chế biến sứa nhà bà Hạnh. Ảnh: Hà Vi

Còn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Thụy Hải (xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang tận dụng thu mua nguồn nguyên liệu cá của ngư dân trên địa bàn để chế biến bột cá cung ứng cho các đơn vị dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Bùi Ngọc Nam - Phó Giám đốc công ty cho biết: "Trung bình 1 năm công ty tôi thu mua khoảng 30.000 tấn cá nguyên liệu của bà con ngư dân đi biển khai thác. Chính vì vậy, từ khi công ty đi vào hoạt động không chỉ mang lại việc làm ổn định cho công nhân làm việc sản xuất, chế biến tại nhà máy mà còn thu mua, tạo việc làm cho hàng ngàn ngư dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận".

Vận động mở rộng quy mô sản xuất chế biến thủy, hải sản

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Lê Nguyên Hoài, phát triển kinh tế biển là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó trọng tâm là nghề nuôi trồng, khai thác và CBTHS tại các xã Thụy Xuân, Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền. Thời gian qua, huyện Thái Thụy đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất phát triển thương mại dịch vụ trong khu kinh tế Thái Bình nhằm kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào các khu cụm công nghiệp.

Các ngành chế chế biến nông lâm, thủy sản được khuyến khích thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp; động viên các doanh nghiệp, cơ sở CBTHS mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình chế biến. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở CBTHS đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm. Chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản xuất bột cá cung ứng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một công ty trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình). Ảnh: Lương Hà

Bên cạnh đó, huyện Thái Thụy quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nguyên liệu phục vụ CBTHS, như: đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao nhân lực đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành khai thác, quy trình giám sát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Theo đó, từng bước phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua, bảo quản và sơ chế sản phẩm trên biển để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, nâng cao chất lượng nguyên liệu. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác và bảo quản trên tàu khai thác, từ đó nâng cao giá trị, cung cấp nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Đầu ra sản lượng ổn định giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Lương Hà

"Hiện nay, toàn huyện đã có 5 sản phẩm CBTHS được đánh giá, xếp hạng và công nhận OCOP đạt 3 - 4 sao. Các sản phẩm này đã và đang tạo việc làm cho khoảng trên 3.000 lao động. Mỗi năm chế biến từ 2,5 - 3 triệu lít nước mắm; 2.000 - 2.500 tấn mắm chượp; 3 - 3,5 tấn cá ướp đá và 200 - 300 tấn hải sản khô các loại.

Chính vì vậy, cần tăng cường quảng bá thương hiệu dân gian nhất là các sản phẩm có thương hiệu như mắm và nước mắm Diêm Điền, cá khô và các sản phẩm đông lạnh tại Thụy Xuân, Thụy Hải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ triển lãm. Chú trọng xây dựng và nâng cấp các sản phẩm OCOP cho các sản phẩm CBTHS..." - Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy thông tin.

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tan-dung-tai-nguyen-bien-khoi-de-phat-trien-nghe-che-bien-thuy-hai-san-1283695.ldo

Chủ đề:

Tin tức liên quan

15/04/2024

Gói data của MobiFone dành riêng cho mạng xã hội
Phù hợp với người có nhu cầu truy cập Facebook, TikTok, Youtube… cao, gói cước dành riêng cho mạng xã hội (MXH) của MobiFone - gói MXH đang rất được ưa thích hiện nay.

15/04/2024

MobiFone đạt danh hiệu Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu chăm sóc khách hàng
Thành công nối tiếp thành công, MobiFone tiếp tục được bình chọn là “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về chăm sóc khách hàng và chương trình khuyến mãi băng thông rộng di động” tại Lễ công bố và vinh danh các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ internet cố định và điện toán đám mây năm 2024.

15/04/2024

Nam bộ lập 3 kỷ lục nắng nóng trong 1 ngày
Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt xảy ra trên phạm vi cả nước. Nếu tính trong khoảng 1 tháng qua, cả nước ghi nhận 10 giá trị lịch sử mới về mức nhiệt độ cao nhất. Đặc biệt chỉ 1 ngày 9.4, ghi nhận đến 3 kỷ lục về mức nhiệt độ cao nhất, tất cả đều xảy ra ở Nam bộ.

15/04/2024

Hàng loạt dự án chậm tiến độ ở Quảng Ngãi: Không thiếu vốn, chỉ thiếu trách nhiệm
Khi đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi chất vấn liên quan đến hàng loạt dự án chậm tiến độ, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho là do vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn Chủ tịch UBND tỉnh nói đó là thiếu trách nhiệm.

Copyright © 2022 Viet Huong IP., Ltd. All Rights Reserved

Lên đầu trang